Giới thiệu chung Giới thiệu chung

GIỚI THIỆU CHUNG PHƯỜNG CỬA ĐÔNG

(Biên soạn dựa theo cuốn “ Lịch sử Đảng bộ và nhân dân phường Cửa Đông (1930-1995-NXB Hà Nội 2001); Lịch sử Đảng bộ và nhân dân quận Hoàn Kiếm (1930-2010 – NXB Chính trị quốc gia 2016) và một số tài liệu ấn phẩm lịch sử , văn hoá khác).

 

I. Đặc điểm, vị trí:

Phường Cửa Đông thuộc quận Hoàn Kiếm, T.P Hà Nội.

Diện tích: 0,14km2.

Dân số (đến cuối năm 2017) có 7.926 nhân khẩu.

Phường có 22 tổ dân phố, 12 khu dân cư.

Vị trí địa lý: Phường Cửa Đông nằm ở phía Tây quận Hoàn Kiếm, phía bắc  giáp phường Hàng Mã, phía đông bắc giáp phường Hàng Bồ, phía đông nam giáp phường Hàng Gai, phía nam giáp phường Hàng Bông, phía tây giáp phường Điện Biên, quận Ba Đình.

Phường Cửa Đông có 7 tuyến phố, 4 đoạn phố đi qua, 01 chợ (nay là Trung tâm thương mại):

Bảy tuyến phố gồm:

Phố Cửa Đông: Từ đường Lý Nam Đế đến phố Hàng Gà

Thời Nguyễn chưa có phố này. Khi Pháp phá tường thành, cửa chính Đông và lấp con hào mới mở con đường từ cổng  thành quân đội ra phố Hàng Gà nay. Hồi đó, bên số chẵn phần lớn là nhà của người Hoa giàu có làm theo kiểu vila, ngoài có hàng rào sắt.

Đầu năm 1946 Hồ Chủ tịch đã đích thân đến gặp Tiêu Văn, phó tướng của Lư Hán ở tại nhà viên bang trưởng người Hoa tại số nhà 12 phố Cửa Đông (nay là trụ sở Công đoàn Bộ Xây dựng) để thuyết phục ông ta tác động tới Lư Hán có thái độ ôn hoà, hợp tác giải quyết những va chạm nảy sinh giữa quân Việt - Tưởng, bàn thực hiện chủ trương Hoa -Việt thân thiện, chĩa mũi nhọn đấu tranh với quân Pháp. Sau chuyến thăm, làm việc của Bác, thái độ của những chỉ huy quân đội Tưởng bớt  hống hách, ngông nghênh.

 Phố Hàng Điếu: Từ ngã tư Hàng Gà đến ngã 7 chợ Hàng Da dài 270m

Gọi là phố Hàng Điếu nhưng xưa kia chỉ có ít nhà làm nghề bịt bạc, chữa các loại điếu hút thuốc lào: điếu bát, điếu ống, còn bát điếu lại bán nhiều ở phố Bát Đàn, xe điếu bày bán nhiều trong chợ.

Trên phố Hàng Điếu có ngôi đền cổ là Đền Hoả Thần tại số 30. Đền được xây dựng từ năm 1838 triều vua Minh Mạng, thờ thần lửa mong muốn thần bảo hộ cho dân khỏi bị hoả họan. Đền còn là nơi quan sát, phát hiệu lệnh báo, chữa cháy khi có hoả hoạn. Đền đã được Bộ Văn hoá -Thể thao – Du lịch cấp bằng công nhận là di tích lịch sử, văn hoá quốc gia.

 Phố Hàng Da: Dài gần 250m. là một trong năm đường phố đổ về Trung tâm thương mại Hàng Da, đầu phía nam giáp phố Hàng Bông, thông với phố Quán Sứ. Phố này có số nhà 11 là nhà ở của nhà văn, nhà báo, chiến sĩ tình báo Vũ Bằng. Ông nổi tiếng với nhiều bài viết hay về Hà Nội thời kỳ Pháp chiếm đóng.

 Phố Đường Thành: Dài 470m, là con đường cũ có từ thời xưa, đi từ cửa Chính Đông chéo về hướng  nam đến phố Hàng Bông.

Phố chia làm 2 đoạn.

Đoạn một: Từ Cửa Đông đến trước mặt chợ Hàng Da. Tại nhà số 6, năm 1936-1939, Đoàn Thanh niên Dân chủ đã đặt trụ sở Báo Bạn dân tại đây.

Đoạn hai: Từ ngã bảy Hàng Da đến phố Hàng Bông xưa thuộc đất thôn Kim Bát, sau hợp nhất với thôn Cổ Vũ thành thôn Kim Cổ. Tại số 73 Đường Thành có Chùa Kim Cổ được xây dựng từ thời nhà Lý. Chùa gắn với sự tích Nguyên phi Ỷ Lan, người một thời được vua Lý Thánh Tông uỷ quyền thay vua trị nước, có công vun đắp làm cho tâm dân hoà hợp, đất nước thái bình.

 Phố Nguyễn Quang Bích: Dài 120m (trước năm 1964 là phố Phạm Phú Thứ). Năm 1936-1939, số nhà 11 và14 Nguyễn Quang Bích là trụ sở Báo Thế giới của Đoàn Thanh niên Dân chủ. Số nhà 24 được Đảng ta chọn đặt trụ sở báo Le Travail (Lao động) do đồng chí Trần Huy Liệu sáng lập, được các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp tham gia viết bài.

 Phố Nguyễn Văn Tố (trước năm 1964 có tên Nguyễn Trãi): Dài 180m, Pháp quy hoạch và xây dựng từ những năm 20 thế kỷ XX. Từ năm 1936-1939, số nhà 24 là trụ sở báo Le Tra Hà Thành thời báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Đảng ta. Năm 1938, Hội truyền bá Quốc ngữ thành lập, đặt trụ sở tại số nhà 44 do Nguyễn Văn Tố, một trong những người tham gia sáng lập Hội và làm chủ tịch. Sau cách mạng tháng Tám, ông làm Bộ trưởng Cứu tế xã hội trong Chính phủ cách mạng lâm thời, là đại biểu quốc hội, chủ tịch Quốc hội khoá I.

 Phố Nhà Hoả: Dài 128m là một phố xép, nhỏ, nhiều đoạn là cổng sau, cống thoát nước của các nhà lớn ở phố Cửa Đông và phố Bát Đàn, vì thế phố này  vắng bóng cây xanh.

Bốn đoạn phố qua địa phận phường Cửa Đông:

 Đoạn phố Lý Nam Đế: Từ Cửa Đông đến phố Trần Phú thuộc phường Cửa Đông (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến cổng doanh trại quân đội Cửa Đông thuộc phường Hàng Mã. Phố Lý Nam đế dài 1090m).

Từ năm 1920 về trước, các cơ quan quân sự của Pháp đóng ở cả 2 phía Đông –Tây phố Lý Nam Đế. Từ những năm 1935 -1939, Pháp xây dựng các dãy nhà 2 tầng nhiều gian, lợp ngói kẽm đen làm nơi ở cho gia đình các sĩ quan Pháp. Năm 1954, ta tiếp quản Thủ đô, quân đội ta đóng trong thành, một số nhà tập thể được xây dựng và những nhà Pháp để lại được bố trí cho các cơ quan quân sự làm việc, một số được phân cho cán bộ trung cao cấp ở. Phố Lý Nam Đế vì thế có tên gọi là “phố nhà binh”.

Đoạn phố Phùng Hưng: Từ cầu đường sắt Cửa Đông đến phố Ngõ Trạm thuộc địa phận phường Cửa Đông. (Từ Cửa Đông đến phố Phan Đình Phùng nằm trên địa phận phường Hàng Mã).  Toàn phố Phùng Hưng dài 1244m

Trước năm 1920, đoạn phố này nằm trên khu đất hào mới lấp, được quy hoạch từ 1920-1930 nên có mặt đường. vỉa hè phía Tây rộng.

Trước đây đoạn phố này có Hội Hợp thiện, trụ sở tại 125 Phùng Hưng (nay là Nhà tang lễ của thành phố). Hợp thiện là Hội từ thiện, mục đích trông coi việc tang lễ cho dân thành phố và các  hoạt động từ thiện khác như bán cơm rẻ cho người nghèo, giúp chỗ ngủ đêm cho người vô gia cư…

Đoạn phố này nay chuyên kinh doanh đồ nhựa.

 Đoạn phố Bát Đàn: từ phố Phùng Hưng đến nút giao Bát Đàn – Hàng Gà, Hàng Điếu thuộc địa phận phường Cửa Đông (Toàn phố Bát Đàn dài 250m, nối phố Phùng Hưng với phố Hàng Bồ).

 Từ xưa, phố có nhiều cửa hàng chuyên bán các loại bát, đĩa, ấm, chén, vại, chum, lộc bình bằng đồ đàn (tức là đồ gốm), nên thành tên Bát Đàn. Tại nhà số 46 Bát Đàn, năm 1944, chi bộ Đảng Cộng sản mang tên Hoàng Văn Thụ được thành lập chuẩn bị cho việc lãnh đạo nhân dân khu vực Đông Thành  tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

 Đoạn phố Tôn Thất Thiệp: Từ lối rẽ 30 phố Lý Nam Đế đến số nhà số 13 hướng đi ra ngõ Nguyễn Tri Phương, đây là đoạn phố Tôn Thất Thiệp nối dài theo quyết định của HĐND thành phố Hà Nội năm 2015.

* Chợ Hàng Da:

Khi quân Pháp phá thành, lấp hào và quy hoạch đường phố, chợ bán da nơi đây dần thay đổi, không mua bán da trâu bò nữa mà thay vào là hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thông dụng phục vụ dân sinh.

Những năm 1941-1944, Hà Nội luôn có báo động phòng tránh máy bay Mỹ ném bom vì có quân đội Nhật  đóng trong thành phố. Năm 1942, máy bay Mỹ ném bom xuống chợ, gây thiệt hại nặng về người và của.

Cuối thập niên 80 thế kỷ trước, chợ được xây dựng lại 2 tầng. Năm 2008 chợ được xây dựng lại làm Trung tâm Thương mại 5 tầng, hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 10 - 2010).

II.Lịch sử:

1.Khái quát sự hình thành:

Địa danh Cửa Đông, xuất phát từ tên gọi “ Chính Đông Môn” tức cửa chính phía đông thành Thăng Long (Hà Nội) xưa.

Thời Lý, cửa thành này gọi là cửa Tương Phù. Từ tháng 02-1894 đến cuối năm 1897 “Chính Đông Môn” bị thực dân Pháp phá bỏ cùng các cửa thành khác và bốn tường thành bao quanh (trừ cổng Bắc thành được chúng giữ lại vì nơi đây có vết đạn đại bác ghi chiến tích thuyền chiến Pháp bắn từ sông Hồng vào khi chúng đánh chiếm thành Thăng Long năm 1882 do Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương chỉ huy).

 Từ tháng 02-1894 về trước, cư dân khu vực Cửa Đông sinh sống trong các thôn Yên Nội , Yên Trung, Tân Khai, Kim  Cổ thuộc 2 tổng Thuận Mỹ, Vĩnh Xương huyện Thọ Xương.

Khi đó, những khu vực phía đông ra  đến bờ sông Hồng đã hình thành khu buôn bán tấp nập của 36 phố phường thì khu vực này vẫn chưa được “kẻ chợ” hoá, mà chỉ có chợ nhỏ Hàng Da thuộc thôn Yên Nội.

Chợ Hàng Da hồi đó chỉ có rau, quả, thịt, cá. Chợ họp ở bãi trống, có duy nhất ngôi nhà nhỏ di chuyển được là nơi  làm việc của người thu thuế chợ, còn lại là lều quán cắm cọc, che liếp, tan chợ là dỡ ngay. Trước đó, Hàng Da là khu mua bán da trâu bò mới mổ thịt còn tươi hoặc đã phơi nhưng chưa thuộc, do đó có tên là chợ Hàng Da.

Năm 1897, sau khi hoàn tất việc phá huỷ “Chính Đông Môn”( Cửa Chính Đông) và tường thành, Pháp xây dựng trên nền tường thành cũ đường sắt từ Ga Hàng Cỏ lên cầu Long Biên. Cửa Chính Đông, một di sản kiến trúc, văn hoá lâu đời của dân tộc bị xoá, thay thế bằng một cây cầu đường sắt.

Giai đoạn 1897 -1930, các phố khu vực Cửa Đông dần hình thành theo quy hoạch của một thành phố thuộc địa.Từ tháng 10-1954 sau khi ta giải phóng, tiếp quản Thủ đô, các phố thuộc tiểu khu Cửa Đông dần có sự thay đổi.

2.Cửa Đông, từ 1930 - 8/1945

Sau khi phá tường thành cổ, Pháp xây tường thành ( thu vào) là nơi đóng quân của Bộ Tham mưu quân đội Pháp ( khu vực thành Bộ Quốc phòng hiện nay). Vì thế Cửa Đông, Đông Thành luôn bị lực lượng cảnh sát, mật thám Pháp ráo riết kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh, an toàn cho sở chỉ huy  của chúng.

Mặc dù vậy, khi Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời ở Bắc kỳ, các đảng viên đã dựa vào công nhân, nhân dân khu vực Cửa Đông để hoạt động. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Thành uỷ lâm thời Hà Nội đã có cơ sở hoạt động bí mật ở nhà 20 phố Cửa Đông.

Từ năm 1936 -1939, Cửa Đông là địa bàn có phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương hoạt động mạnh, có cơ sở báo chí công khai của Đảng, Đoàn thanh niên. Nổi bật là tờ báo Lơ - tra - vai (Le Travail), tiếng Pháp đầu tiên của Đảng ở miền Bắc đặt tại 24 Phạm Phú Thứ (nay là Nguyễn Quang  Bích), tổ trị sự đặt tại 21 Đường Thành. Báo do đồng chí Trần Huy Liệu sáng lập, có nhiều đồng chí  lãnh đạo Đảng như Đặng Xuân Khu ( Trường Chinh), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt), Đặng Thái Mai,Võ Nguyên Giáp, giáo sư Trường Thăng Long tham gia…

Khi báo Lơ - tra - vai bị đóng cửa, hai tờ báo công khai khác của Đảng ra đời là “Hà Thành thời báo” trụ sở tại  phố Nguyễn Trãi (Nguyễn Văn Tố), tiếp đó là Báo Bạn dân là cơ quan của Thanh niên cứu quốc tại số 6 Đường Thành.Năm 1938, báo Hà Thành thời báo bị đóng cửa,báo Thế giới của Đoàn Thanh niên xuất hiện đặt tại 14 Phạm Phú Thứ ( nay là 11 Nguyễn Quang Bích).

Năm 1938, để mở mang dân trí, thu hút thanh niên vào các hoạt động yêu nước, Đảng chủ trương thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ do cụ Nguyễn Văn Tố, nhà nho, nhà báo yêu nước làm chủ tịch Hội, trụ sở tại 44 phố Nguyễn Trãi (nay là phố Nguyễn Văn Tố).

Năm 1939, chiến tranh thế giới II bùng nổ, Đảng chủ trương lập Mặt trận dân tộc phản đế  Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp, giai cấp, dân tộc chống kẻ thù chính của dân tộc là chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai của chúng.

Thời gian này, khu vực Cửa Đông có nhiều thanh niên tham gia tổ chức Thanh niên phản đế có cơ sở ở Trường Bưởi, Trường Thăng Long. Năm 1941, Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) thành lập, khu vực Cửa Đông, Thành uỷ Hà Nội và Xứ uỷ Bắc kỳ đã tổ chức một số đường dây hoạt động có hiệu quả như Thanh niên phản đế, Thanh niên Cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc. Các nhóm này hoạt động đa dạng, linh hoạt tuyên truyền nhân dân ủng hộ Việt Minh làm cách mạng lật đổ ách thống trị của Nhật – Pháp, ủng hộ Liên Xô chống phát xít Đức, huấn luyện quân sự, sắm sửa vũ khí, tham gia các cuộc mít tinh, biểu tình, phối hợp với các bộ phận tuyên truyền xung phong trừng trị bọn Việt gian có nhiều tội ác.

Tháng 8 -1944, tại 46 Bát Đàn, Thành uỷ Hà Nội thành lập chi bộ Đảng mang tên Hoàng Văn Thụ do đồng chí Vũ Oanh làm bí thư, đồng thời ra mắt Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc Hà Nội mang tên đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Thời kỳ này các nhà số 6 Đường Thành, số 5, 13 Cửa Đông, 129 Phùng Hưng, 46 Bát Đàn là cơ sở bí mật của các tổ chức Thanh niên phản đế, Cứu quốc, các phố Cửa Đông, Hàng Da, Nguyễn Trãi (Nguyễn Văn Tố) có nhiều hội viên thanh niên hăng hái tham gia.

Từ ngày 17 đến 19 - 8 -1945, các lực lượng Thanh niên cứu quốc, tổ chức Việt Minh, Đoàn thanh niên Hoàng Diệu khu vực Cửa Đông đã huy động, tổ chức nhân dân tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành, tham gia các mũi xung kích chiếm trại Bảo An binh, Bắc Bộ phủ, Ty Liêm phóng góp phần cùng nhân dân Hà Nội tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa thành công.

3. Cửa Đông giai đoạn 02-9-1945 đến 10-10-1954

Ngày 02-9-1945, nhân dân Cửa Đông cùng 20 vạn nhân dân Hà Nội đổ về Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Ngay sau ngày Quốc khánh, nhân dân Cửa Đông tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch “chống giặc đói”, “gịăc dốt”. Nhiều nhà dân đã tiết kiệm gạo ăn đem đến 125 Phùng Hưng gửi cho Hội hợp thiện để phân phát cho người nghèo. Phong trào chống “giặc dốt” cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng, khu Đông Thành có 30 lớp học bình dân, 100 người tự nguyện dạy học. Các điểm chùa Kim Cổ, Đền Hoả Thần, chùa Bát Đàn, chợ Hàng Da là nơi mở các lớp bình dân học vụ. Ngày 06-01-1946, cử tri khu Cửa Đông nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng.

Dưới danh nghĩa lực lượng đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, ngày 7- 9 -1945, những đơn vị đầu tiên trong 20 vạn quân Tưởng vào Hà Nội. Chúng kéo theo lũ phản động Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc), Việt Nam cách mạng đảng (Việt Cách) âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ” (diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh), hòng dựng chính quyền bù nhìn của chúng. Nhưng Chính phủ cách mạng lâm thời Hồ Chí Minh đã được thành lập và ra mắt làm chúng thất vọng, rất cay cú, can thiệp thô bạo vào công việc của chính quyền  Nhà nước Việt Nam  non trẻ.

 Bám chân quân Tưởng, bọn Việt Quốc, Việt Cách công khai lộ bộ mặt phản động, tàn ác, tổ chức các nhóm vũ trang chuyên khủng bố, bắt cóc, tra tấn, tống tiền. Để ứng phó, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội rất quan tâm chỉ đạo đường dây điệp báo tung vào  cơ quan đầu não Đảng Việt Cách của Nguyễn Hải Thần để nắm âm mưu, kế hoạch phá hoại cách mạng của chúng. Số nhà 16 Đường Thành, chủ là một thương gia người Hoa, vợ người Việt là cơ sở tin cậy của đường dây điệp báo của ta do đồng chí Song Toàn vợ cố Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn chỉ huy.

Bên cạnh phong trào “diệt giặc đói”, diệt “giặc dốt”, nhân dân Cửa Đông hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc, tự vệ, cùng công an, vệ quốc quân tuần tra, canh gác bảo vệ trật tự trị an. Tháng 10 -1945, nhân dân còn tích cực tham gia “Tuần lễ vàng”quyên góp tiền, vàng ủng hộ quỹ Độc lập, ủng hộ quần áo,vải cho Nam bộ kháng chiến. Một số thanh niên Cửa Đông đã xung phong tham gia đội quân Nam tiến như Nguyễn Lữ ( 24 Cửa Đông),Vương Thái Chung (20 Hàng Da), tham gia đoàn quân Tây tiến như  Lê Tuấn, Đỗ Xuân Hạc.

Ngày 06- 01 -1946, cử tri Cửa Đông nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khoá I tại điểm bầu cử ở Trường  Trí Tri phố Hàng Quạt nhanh gọn, an toàn.

Ngày 26-02-1946 Pháp,Tưởng ký hiệp ước Pháp – Hoa quy định quân Tưởng phải rút khỏi miền Bắc để quân Pháp thế chân. Đổi lại, Pháp trả tất cả các tô giới của Pháp trên đất  Trung Hoa cho Tưởng và bảo đảm một số quyền lợi kinh tế của Tưởng ở Đông Dương. Trong tháng 3-1946  quân Tưởng phải rút khỏi miền Bắc, nhưng thực tế chúng cố ý trì hoãn rút quân và có nhiều hoạt động phá phách, cướp bóc, gây rất nhiều phức tạp, khó khăn cho ta.

Trước tình thế đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh  chủ trương đàm phán với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước, đồng thời tranh thủ thời gian hoà hoãn để củng cố, phát triển lực lượng chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, một việc không thể tránh khỏi.

Ngày 06-3-1946, Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp được ký kết nhưng Pháp xé bỏ hiệp định đưa quân vào đóng trên một số vị trí của ta ở Hà Nội.

Cùng với việc tham gia xây dựng, củng cố chính quyền, nhiều thanh niên Cửa Đông  xung phong vào lực lượng tự vệ chiến đấu khu phố, tự vệ chiến đấu thành Hoàng Diệu.

Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân, tự vệ chiến đấu các phố Cửa Đông, Bát Đàn, Nhà Hoả, Đường Thành, Phùng Hưng, Hàng Da, Hàng Điếu, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Quang Bích đã cùng nhân dân khu Đông Thành Liên khu I chặt cây, lập chướng ngại vật, đục tường nhà tạo sự cơ động liên thông suốt 60 ngày đêm bám đánh, kiềm chế lực lượng địch trong Bộ Tham mưu Pháp trong thành tấn công ra, gây cho chúng nhiều tổn thất.

Nổi bật, tại Cửa Đông, tự vệ khu Đông Thành đã đột nhập vào trong thành dùng  lựu đạn, chai cháy đốt phá một số kho tàng ngay trong sào huyệt của địch. Những ngày đầu kháng chiến, các khu vực Hàng Da, Đường Thành, rạp chiến bóng Olympia (Rạp Hồng Hà ngày nay), Hàng Điếu đã diễn ra những cuộc chiến đấu rất ác liệt của tự vệ, Vệ quốc quân, làm cho địch bị nhiều tổn thất cả sinh lực, xe jeep, xe tăng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 60 ngày đêm chiến đấu, nhân dân Cửa Đông cùng toàn khu Đông Thành kiên cường chiến đấu với tinh thần” quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, khu vực Cửa Đông  trở nên cảnh nhà trống, phố vắng, phố Hàng Điếu, Bát Đàn đổ nát tan hoang, chợ Hàng Da chưa họp lại. Đến cuối năm 1947, chướng ngại vật chưa được dọn hết, giao thông hào cắt đường chưa được san lấp. Trên các đường phố, bọn Tây lai, lưu manh đi hôi của trong các nhà vắng chủ, trấn cướp của dân hồi cư. Phố Lý Nam Đế trở lại là khu phố nhà binh của Pháp.

Cuối 1947, các cửa hàng dần trở lại hoạt động trên các phố nhưng chủ yếu cung cấp nhu yếu phẩm, dịch vụ cho quân Pháp trong thành, nông thổ sản trong nội thành vẫn khan hiếm. Quân Pháp trong thành ngày càng đông, nhu cầu phục vụ binh lính tăng lên nên số lao động, cửa hàng cung ứng, dịch vụ phục vụ binh lính Pháp các phố khu Cửa Đông cũng ngày càng nhiều. Trong bối cảnh đó, một số cán bộ cùng gia đình hồi cư về, nhanh chóng tận dụng cơ hội gây dựng lại cơ sở, tiếp tục họat động bí mật ngay sát bộ tham mưu địch. Tại số nhà 24 - 26 Hàng Da, Ty công an Hà Đông đã đưa được một nữ điệp báo viên vào cơ quan tham mưu địch ở trong thành, đã lấy được nhiều tài liệu bí mật, quý nhất là kế hoạch và thời điểm địch tấn công Việt Bắc Thu Đông năm 1947.

Địch đề ra chế độ kiểm soát, kìm kẹp khắc nghiệt nhưng nhân dân vẫn kiên trung tin tưởng vào sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, của Đảng, ủng hộ kháng chiến. Nhỉều cán bộ hoạt động bí mật nội thành trở về trên địa bàn  vẫn được nhân dân che giấu, bảo vệ. Các số nhà 10, 24, 38A, 47 phố Cửa Đông, 11 Hàng Da là cơ sở bí mật mới của ta. Đặc biệt từ 1948 -1954, số nhà 11 Hàng Da là nhà của nhà văn, chiến sĩ tình báo Vũ Bằng là cơ sở tình báo tin cẩn của ta.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Cửa Đông là cửa ngõ ra vào thành của Bộ Tham mưu quân đội Pháp, Thành uỷ Hà Nội chủ trương phong trào đấu tranh của quần chúng không được manh động, chú ý đấu tranh tránh bắt phu, bắt lính, vận động chồng con bỏ hàng ngũ địch, đấu tranh chống thuế, bãi thị, đòi ký hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương.

Sau khi hiệp định Giơneve được ký kết, các lực lượng công nhân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc Cửa Đông trực tiếp đấu tranh chống  cưỡng ép di cư vào Nam, bảo vệ máy móc, tài sản không cho địch phá hỏng, tháo dỡ mang đi. Nhân dân Cửa Đông cũng hăng hái phân công lực lượng tổng vệ sinh đường phố, trang trí, giữ gìn an ninh trật tự, tập văn nghệ để chào đón bộ đội về tiếp quản Thủ đô, góp phần cùng Hà Nội khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

4.Cửa Đông sau 10-10-1954 đến nay

Sau tiếp quản Thủ đô, nhân dân Cửa Đông gặp không ít khó khăn, nhiều người không có công ăn việc làm, đời sống thiếu thốn, khó khăn, tệ nạn xã hội nhiều…

Từ tháng 10-1954 đến năm 1957 nhân dân các khối phố đã đoàn kết xây dựng chính quyền, khẩn trương ổn định tình hình chính trị, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Từ năm 1958 -1960, Cửa Đông nghiêm túc chấp hành chủ trương của Đảng, Nhà nước tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh theo hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế văn hoá, nâng cao đời sống nhân dân. Từ năm 1960 -1965, thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiều cửa hàng quốc doanh, hợp tác xã mở ra khắp các tuyến phố, các mặt văn hoá, giáo dục, y tế phát triển, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi.

Ngày 07-02-1965, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Quán triệt chủ trương của Thánh uỷ Hà Nội về tăng cường công tác phòng không nhân dân, nhân dân khu vực Cửa Đông bình tĩnh, thích ứng nhanh với tình hình thời chiến. Ngày 17-7-1966, trước lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”,nhân dân Cửa Đông nêu cao ý chí quyết tâm và lòng yêu nước  vượt mọi khó khăn, làm tốt công tác sơ tán, hăng hái lao động sản xuất, tham gia chiến đấu, hướng ra chiến trường giết gặc…

Từ năm 1959 -1965, số nhà 89 Lý Nam Đế là nơi làm việc và ăn nghỉ của Hoàng thân  Xuphanuvông, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân Lào sau này là Đảng Nhân dân cách mạng Lào mỗi khi đồng chí sang Việt Nam làm việc. Ngày 16-02-1962, Hồ Chủ tịch đã đến số nhà 89 thăm, làm việc với chủ tịch Xuphanuvông.

Các khu tập thể 79, 81, 93 Lý Nam Đế nhiều cán bộ Ban công tác miền Tây, chuyên gia đã lên đường sang giúp cách mạng Lào, Campuchia.

 Nhà 34A Lý Nam Đế, trước đây là nơi ở của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủỷ viên Bộ Chính trị. Năm 1964, đồng chí được Bộ Chính trị giao vào chiến trường miền Nam lãnh đạo chiến đấu và nghiên cứu đưa ra kết luận “Mỹ giàu nhưng không mạnh” và cách đánh Mỹ, thắng Mỹ là “Nắm thắt lưng địch mà đánh”.

Nhà 34A Lý Nam Đế nay là trụ sở Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Đoạn phố Lý Nam Đế này cũng là nơi ở của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng.

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, phường Cửa Đông có 1.659 người tham gia kháng chiến, làm nghĩa vụ quốc tế, trong đó có 931 bộ đội, 39 TNXP. Kết thúc chiến tranh, phường có 107 liệt sĩ, 67 thương binh, 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1.659 người được thưởng huân chương các loại, huân chương của các nước bạn.

Từ ngày đất nước thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ Hà Nội, Quận uỷ Hoàn Kiếm, Đảng bộ và nhân dân Cửa Đông không ngừng phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đạt nhiều thành tựu trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, nổi bật là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân..

Với những thành tích nổi bật đó, ngày 29-01-1996, nhân dân, công an phường Cửa Đông rất vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân”.

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng vẻ vang, trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đảng bộ, nhân dân phường Cửa Đông luôn phát huy tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn thi đua phát triển kinh tế văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, Chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, ra sức thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, các phong trào, cuộc vận động, xây dựng phường, thủ đô giàu mạnh, văn minh…

 

 III. ĐẶC TRƯNG:

Phường Cửa Đông  là một trong 10 phường của quận Hoàn Kiếm nằm trong khu vực  khu phố cổ Hà Nội (gồm các phường Cửa Đông, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Đào, Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Gai, Đồng Xuân và một phần của hai phường Lý Thái Tổ và Hàng Bông).

Cùng các phường khu phố cổ, Cửa Đông có các công trình xây dựng chủ yếu là nhà ở kết hợp với cửa hàng, mật độ xây dựng cao,đan xen hỗn hợp giữa kiến trúc truyền thống, kiến trúc thuộc địa và hiện đại.  đường giao thông nhỏ và ngắn, có nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc cổ còn được lưu giữ, bảo tồn thể hiện nét đặc trưng văn hoá Thăng Long nghìn năm văn hiến…

Về kinh tế: Cửa Đông phát triển kinh tế theo xu hướng đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch.

 

IV. DI TÍCH LỊCH SỬ

 Trên địa phận phường Cửa Đông có 2 di tích được Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia là Chùa Kim Cổ (73 phố Đường Thành và Đền Hoả Thần số 30 phố Hàng Điếu.

1. Chùa Kim Cổ:

 

 Theo sử sách,  Nguyên phi Ỷ Lan ( sau được phong là Hoàng Thái hậu). Bà xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, xinh đẹp và rất chăm làm. Bà là người  nhân hậu, giỏi trị nước, thương dân, là người sùng đạo Phật, nên đã xây dựng rất nhiều chùa thờ Phật, dân gian thường gọi là bà Tấm của xứ Kinh Bắc.

Thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông đã xây dựng cung điện tại phường Kim Cổ dành cho Nguyên phi Ỷ Lan. Khi ở đây, Nguyên phi Ỷ Lan đã cho dựng quán Đồng Thiên trong khu vực cung điện để làm nơi tu luyện, tham thiền học đạo nâng cao kiến thức đặng giúp ích cho đời và đạo.

 

Thời kỳ này, Đạo giáo còn thịnh hành, Thăng Long có bốn Đạo quán của Đạo giáo. Một trong bốn Đạo quán nổi tiếng là Đồng Thiên quán do Nguyên phi Ỷ Lan lập. Đồng Thiên quán sau thành đền rồi Phật giáo hoá và trở thành chùa.

Đầu đời Tây Sơn, quán được dời sang thôn An Thái ( nay là ngõ Yên Thái xuyên sang phố Hàng Mành). Trên khu nền cũ, dân làng Kim Cổ đã dựng ngôi đền thờ Linh Nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Đến đời Tự Đức triều Nguyễn, cùng với việc mở rộng quy mô của đền thờ Ỷ Lan, phật giáo cũng được đưa vào thờ tại đền, từ đó di tích có thêm tên gọi là chùa Kim Cổ.

Căn cứ tấm bia “Kim Cổ thôn bi ký” dựng năm Tự Đức thứ 13 (1860) cho ta biết chùa cần được mở rộng quy mô để phật tử, người dân đến chiêm bái, tưởng niệm tiền nhân dày công đức với nước với dân nhưng ngặt vì tiền nong, vật dụng thiếu thốn. Nguyên Bố chánh sứ tỉnh Tuyên Quang thăng chức Lại bộ Thị Lang Bùi Thương Hán là người làm quan hiển đạt ở thôn Kim Cổ ta đã bỏ ra 100 lạng bạc, công việc bèn thành.

Chùa Kim Cổ trước đây có quy mô kiến trúc lớn, hình chữ “Tam”. Về sau khi người Pháp phá dỡ chùa, nhân dân địa phương đã góp tiền xây dựng lại. Hiện nay, chùa có quy mô kiến trúc nhỏ, ở kề sát với hè phố Đường Thành và khu vực đình Tạm Thương. Các kiến trúc gồm: cổng vào, khu thờ tự và khoảng sân hẹp trước đền.

 Cổng chùa xây bằng gạch do các trụ biểu kết hợp với những mảnh tường nhỏ hợp thành. Bên trên cửa, lối vào làm kiểu hai tầng tám mái với các góc đao cong ngược lên. Cổ diêm giữa hai mái đắp nổi 4 chữ Hán “Kim Cổ cổ tự”. Kiến trúc chính kết cấu kiểu chữ “đinh”. Tiền đường ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái kết cấu kiểu vì kèo quá giang, quá giang đặt trực tiếp lên tường bổ trụ. Toà thượng điện ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, nối với tiền đường, mái lợp ngói ta. Các vì kèo làm kiểu kèo cầu quá giang.

Hiện nay, chùa Kim Cổ còn bảo lưu được bộ di vật, minh chứng cho sự hiện diện của di tích trong lịch sử cụ thể gồm: tám pho tượng Phật thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX, một pho tượng Nguyên phi Ỷ Lan ngồi trong khám, một số pho tượng Mẫu, tượng Chầu; ba tấm bia niên hiệu triều Nguyễn; một quả chuông đồng niên hiệu triều Nguyễn, hai hạc thờ đứng trên lưng rùa; một bức cửa võng, một bức cuốn thư chạm rồng, ba bức hoành phi sơn son, hai đôi câu đối.

Chùa Kim Cổ gắn bó mật thiết với đình Tạm Thương thờ Nguyên Phi Ỷ Lan ( đi theo ngõ Yên Thái xuyên sang phố Hàng Mành để rẽ vào đình Tạm Thương).

Giá trị nổi bật nhất của di tích do chính bà Ỷ Lan xây dựng để làm nơi tu luyện, tham thiền học đạo của bà trong một thời gian dài trước khi gánh vác những công việc trọng đại của quốc gia. Chùa là một trong những di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích tưởng niệm về Nguyên phi Ỷ Lan ở Hà Nội và các vùng lân cận.

Có dịp đến Hà Nội, du khách không nên bỏ qua một chuyến tham quan, vãn cảnh Chùa Kim Cổ 73 phố Đường Thành, phường Cửa Đông, Hoàn Kiếm, để có thể tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống Thăng Long.

2.Đền Hoả Thần

Thời Nguyễn, những dãy phố phía tây của khu phố phường Hà Nội chủ yếu vẫn là nhà tranh tre nứa lá, cho nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Sách sử cũ chép lại vào năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm lại cháy 1420 nhà thuộc 27 phường. Năm 1837, khu này cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa. Đến những năm 1885 vẫn còn cháy rất nhiều.

Sau vụ cháy lớn năm 1837, năm Minh Mạng thứ 19 (1838) người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần, cầu xin Thần lửa không gây hoạ, ban đầu đền làm bằng tre, nứa, lợp  lá. Có lẽ đây là ngôi đền thờ Thần lửa duy nhất tại Việt Nam.

Đền Hoả Thần toạ lạc tại số 30 phố Hàng Điếu, trên diện tích gần 500 m2. Đền được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Với mục đích cầu mong thần thánh phù trợ, ngăn ngừa hoả hoạn trong kinh thành, người dân Hà Nội xưa đã lập đền thờ thần Hoả (Đền Hoả Thần). Đây được xem là ngôi đền thờ ông Tổ phòng cháy chữa cháy của người Hà Nội.

Tấm bia “Hoả Thần miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền Hoả Thần cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu bằng tranh nứa sơ sài. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm phương đình và tiền tế. Niên đại này còn để lại trên câu đầu của kiến trúc. 

Đền Hoả Thần thờ vị thần có tên Quang Hoa Mã Nguyên Súy. Theo truyền thuyết, Nguyên Súy được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều và trở thành môn đệ Phật gia. Do tính “Hỏa” nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào nhà họ Phùng, Khi đắc đạo được về trời làm môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên việc trừ hỏa tai. Và như thế có thể coi “Thần Hỏa” là ông Tổ nghề phòng cháy chữa cháy.

So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hoả Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm tiền tế, phương đình và cung cấm, trong đó, kiến trúc phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất. Các con rường được chạm nổi văn mây lá lật. Mỗi đấu kê đều trang trí cánh sen. Mỗi đầu dư đều thể hiện hình đầu rồng. Các bức ván trong giá chiêng chạm nổi đề tại phương trong tư thế đang bay. Và bốn bức tượng nghê dưới câu đầu được thể hiện giống với nhau với hình thức cách điệu cao, rất gần gũi với các tượng nghê trên kiến trúc phương đình đền Bạch Mã và đền Thanh Hà thuộc khu phố cổ Hà Nội. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trung của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỷ trước.

Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, khu phố Tây được thành lập, khu xóm chợ Cửa Đông cũng được đô thị hóa mạnh mẽ, đền Hỏa Thần cũng bị thu hẹp nằm lọt giữa khu phố xá đông đúc. Thời kỳ này, nhân dân cũng xây thêm một điện thờ chư vị Thánh Mẫu trong khuôn viên của đền, đền Hỏa Thần là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi lễ Thánh, Thần ban phúc trừ tai của nhân dân kinh thành.

Thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và thập niên 80 thế kỷ XX, đền bị xâm lấn, đổ nát hư hỏng nhiều, chính quyền và nhân dân đã tu bổ lại đền khá khang trang. Năm 1997, Bộ Văn hoá –Thông tin ( nay là Bộ VH-TT-DL) đã cấp “Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Hỏa Thần”.

Hiện Dự án trùng tu, tôn tạo Đền Hỏa Thần đang được tiến hành nhằm bảo tồn, giữ gìn di sản lịch sử, văn hoá độc đáo, nét đẹp trong văn hóa tâm linh của cư dân khu phố cổ, tạo thêm nét phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ đô và cả nước.

                                              

Bình chọn Bình chọn

Theo bạn, giao diện Cổng thông tin điện tử phường đã đẹp hay chưa?